Không còn nghi ngờ gì nữa, khiêu vũ đang hút hồn giới trẻ.
Khiêu vũ trong sàn nhảy (tất nhiên), trong lớp học, trong sân trường và thậm chí ngay cả trong công viên thay cho bài thể dục buổi tối… Nhưng với nhiều người trẻ ưa những bước nhảy say đắm và cuồng nhiệt, khiêu vũ thể thao (dance sport) mới là đích đến để thỏa nỗi đam mê. Tôi nhớ một buổi tối lâu lắc, tóm được Hoài Sơn trong lớp học tại Nhà văn hóa Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hứng khởi và mệt nhoài sau bài tập là một điệu Samba cuồng nhiệt, cậu cười cười kể cho tôi lý do tìm đến với khiêu vũ thể thao: “Một buổi tối thứ bảy, tôi bỗng thấy mình thừa thãi thời gian quá. Cô bạn gái gắn bó vài năm đã xa tôi, hay chính tôi đã bỏ đi. Tối đó, tình cờ tôi xem bộ phim “Shall we dance?” (Nào ta cùng nhảy?). Và tôi chợt nhận ra khiêu vũ là khi tôi có thể vận động cơ thể, thưởng thức niềm say mê và… gặp gỡ các cô gái khác! Vốn đã biết khiêu vũ thông thường, tôi ghi danh vào lớp khiêu vũ thể thao để tìm điều mới mẻ hơn…”. Giờ đây, anh bạn đến với khiêu vũ thể thao không còn vì những buổi tối cô đơn nữa, mà niềm đam mê đã trở lại.
Có thể bạn quan tâm:
>> Nhạc Khiêu Vũ
>> Giày Khiêu Vũ Trẻ Em
>> Giày Khiêu Vũ Nữ
Đa số những bạn trẻ đến với khiêu vũ thể thao đều từng gắn bó với khiêu vũ giao tiếp thông thường, còn được gọi là khiêu vũ salon. Khiêu vũ thể thao khó hơn, nó đem đến cho người tập sự hưng phấn trong điệu nhạc và cái đẹp của ngôn ngữ hình thể. Khiêu vũ thông thường ban đầu là một loại hình giao tiếp cộng đồng. Sau đó một số ít cá nhân có khả năng vượt trội hơn những người khác, và họ trở thành những người biểu diễn khiêu vũ nghệ thuật. Với sự phát triển nhiều kỹ thuật khó hơn, đòi hỏi sự khéo léo và thể lực, khiêu vũ nghệ thuật lại trở thành khiêu vũ thể thao, với 10 điệu chia làm hai bảng: Các điệu Rumba, Chachacha, Samba, Jive, Pasodoble thuộc bảng La-tinh; Tango, Quickstep, Slow Waltz, Vienna Waltz và Slow Fox Trot thuộc bảng Standard.
“Không có niềm đam mê, không thể theo đuổi được!” – những ai đã từng có “duyên nợ” với môn khiêu vũ thể thao đều phải thốt lên như vậy. Các buổi tập đều tốn rất nhiều sức lực, người uể oải hay chán nản là không thể theo được hết buổi. Hầu hết mọi người ban ngày đều bận với công việc, nếu không dành sức cho buổi tập luyện ban tối là “đuối” ngay. Kỹ thuật trong từng bước nhảy cũng rất nghiêm ngặt, từ gót chân, bàn chân cho đến đầu gối, hông, bụng, vai… bắt buộc người tập phải tuân theo. Bên cạnh kỹ thuật, cảm xúc trong từng bước nhảy là yếu tố không thể thiếu của một tay nhảy thứ thiệt. Trên nhiều diễn đàn khá lớn về khiêu vũ của Việt Nam thì một số bạn nữ thành viên tấm tắc chia sẻ: “Tôi và ông xã ngưỡng mộ nhất đôi nhảy trên sàn. Lần đầu tiên thấy họ nhảy trên sàn Quán Sứ, chúng tôi sững sờ nhận ra rằng trong thời gian qua, cái mà mình được học là cái mà mình đang nhảy không giống nhảy một chút nào. Vì nó toàn những động tác múa và tạo hình, không hề thấy chút tình cảm hay kỹ thuật nào trong đó. Chính vì anh chị ấy mà chúng tôi nhận ra rằng mình nên đi tầm sư học đạo để được học Dance sport đàng hoàng, để có thể lướt đi nhẹ nhàng, duyên dáng và đầy cảm xúc…”.